Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho lệch bội nhiễm sắc thể (PGT-A)

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi (PGT-A) giúp các cặp vợ chồng lựa chọn được phôi chất lượng tốt về di truyền trước khi phôi được chuyển vào tử cung của người mẹ. Qua đó tránh được nguy cơ chuyển phôi bất thường, tăng khả năng sinh ra em bé khỏe mạnh.

1. Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi (PGT-A) là gì? 

Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi (Pre-implantation genetic testing for aneuploidy, PGT-A) là xét nghiệm di truyền thực hiện trên một hoặc một vài tế bào của phôi nhằm xác định các bất thường di truyền ở mức độ nhiễm sắc thể (bất thường số lượng NST và các bất thường mất/lặp đoạn NST lớn từ khoảng 5-10Mb trở lên) từ đó lựa chọn phôi tốt nhất trước khi chuyển phôi.

Có nhiều kỹ thuật khác nhau được sử dụng trong xét nghiệm PGT-A, phiên bản đầu tiên năm 1990 với kỹ thuật lai tại chỗ (FISH) trên mẫu phôi sinh thiết ngày 3, rồi tới Microarray và hiện tại công nghệ NGS thực hiện trên mẫu phôi sinh thiết ngày 5 đang được dùng rộng rãi (hay còn được gọi là thế hệ PGT-A 3.0). Dữ liệu nghiên cứu trên thế hệ PGT-A 3.0 đều cho thấy kết quả khả quan trong việc nâng cao tỷ lệ làm tổ, nâng cao tỷ lệ mang thai, giảm tỷ lệ mang đa thai và nâng cao tỷ lệ sinh con khỏe mạnh ở các bệnh nhân IVF.

Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi PTC-A
Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi là kỹ thuật xét nghiệm được ứng dụng nhiều trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

2. Nguyên lý xét nghiệm

Mẫu sinh thiết phôi ngày 5 (5-7 tế bào vùng lá nuôi) được lấy ra khỏi phôi và thực hiện xét nghiệm. Mẫu này được thực hiện khuếch đại toàn bộ hệ gen (WGA) với các mồi nửa ngẫu nhiên (semi-random), mồi đặc hiệu giúp nhân bản DNA lên hàng nghìn lần, bước chuẩn bị thư viện sẽ giúp khảo sát những vùng NST mong muốn với hệ thống mồi được thiết kế, cũng như phân biệt các mẫu trong mẻ chạy, sau đó thư viện này sẽ được đưa lên máy giải trình tự để ra dữ liệu phân tích.

3. Quy trình xét nghiệm

  • Khám và thu thập thông tin tiền sử cặp vợ chồng và gia đình, tư vấn trước xét nghiệm:

○ Xác định nguyên nhân di truyền gây vô sinh hiếm muộn.

○ Xác định tình trạng bệnh lý di truyền trong gia đình nếu có.

○ Vẽ phả hệ để hệ thống hóa các nguy cơ bệnh lý di truyền và xác định tính chất di truyền.

○ Xác định tính phù hợp của xét nghiệm PGT-A với gia đình.

○ Tư vấn quy trình thực hiện, các lợi ích và hạn chế của xét nghiệm PGT-A

  • Thực hiện chu kỳ thụ tinh nhân tạo IVF
  • Thực hiện sinh thiết phôi lấy mẫu xét nghiệm: mẫu xét nghiệm hiện nay được áp dụng là 5-7 tế bào phần lá nuôi của phôi ngày 5-6.
  • Thực hiện các bước xét nghiệm PGT-A trong phòng thí nghiệm bao gồm: nhân bản toàn bộ hệ gen (WGA), chuẩn bị thư viện, giải trình tự và phân tích kết quả.
  • Tư vấn kết quả PGT-A và lựa chọn phôi chuyển: 

○ Phôi chuyển được lựa chọn trên tiêu chí ưu tiên phôi nguyên bội (2n).

○ Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phôi khảm (bất thường 1 phần của phôi) có thể được sử dụng để chuyển phôi với kết quả hứa hẹn (link bài viết).

Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi PTG-A
Các cặp bố mẹ có nhu cầu sàng lọc di truyền trước chuyển phôi (PGT-A) cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

4. Các kết quả có thể có của PGT-A

Bộ NST người có 23 cặp NST: 22 cặp NST thường và 1 cặp NST giới tính (XX: nữ và XY: nam). Kết quả PGT-A sẽ báo cáo các bất thường về số lượng NST và các bất thường cấu trúc mất hoặc lặp đoạn NST có kích thước khoảng 5-10Mb trở lên tùy công nghệ xét nghiệm và chất lượng mẫu.

Các kết quả PGT-A có thể được báo cáo như sau:

  • Không phát hiện bất thường: trong giới hạn xét nghiệm, chưa có bất thường nào trên phôi. Phôi này còn được gọi là phôi nguyên bội (2n) là phôi có tiềm năng nhất được lựa chọn để chuyển phôi do khả năng làm tổ và phát triển khỏe mạnh là tốt nhất. Lưu ý, kết quả này không đảm bảo 100% phôi không mắc bất thường di truyền do còn nhiều loại bất thường di truyền nằm ngoài giới hạn phát hiện của xét nghiệm và có tỷ lệ khác biệt giữa mẫu sinh thiết (phần tế bào lá nuôi) và phôi thai phát triển thành em bé sau này (phần nụ phôi).
  • Phát hiện bất thường nhiễm sắc thể, có thể là bất thường đơn lẻ hoặc phức tạp nhiều loại dưới đây:

○ Trisomy: thêm một NST trong cặp NST tương đồng. ví dụ Trisomy 21 (3 NST 21) gây hội chứng Down

○ Monosomy: mất một NST trong cặp NST tương đồng. Ví dụ Monosomy X (45,X) gây hội chứng Turner

○ Tam bội thể (3n): thay vì bộ NST nguyên bội 2n, phôi có thêm 1 bộ 23 NST nữa, tổng số NST là 3n – 69 NST

○ Thêm đoạn: thêm 1 phần của NST

○ Mất đoạn: mất 1 phần của NST

○ Thể khảm: tình trạng các tế bào trong mẫu sinh thiết có các kiểu karyotype khác nhau. Ví dụ Trisomy 21 khảm 40% nghĩa là có 40% tế bào Trisomy 21 còn 60% tế bào bình thường.

  • Phôi không đủ chất lượng để phân tích: dữ liệu đầu ra của xét nghiệm không đủ chất lượng để phân tích kết quả, do đó không có kết quả để báo cáo. Nguyên nhân có thể đến từ chất lượng mẫu sinh thiết, hóa chất hoặc công nghệ xét nghiệm. Giải pháp trong trường hợp này là sinh thiết lại mẫu phôi khác để thực hiện xét nghiệm.
  • Không có sản phẩm nhân bản DNA: do không đủ nguyên liệu đầu vào (các tế bào phôi sinh thiết) nên quy trình nhân bản WGA thất bại, không thực hiện được các bước tiếp theo. Giải pháp trong trường hợp này là sinh thiết lại mẫu phôi khác để thực hiện xét nghiệm.

5. Ứng dụng của PGT-A

Xét nghiệm PGT-A được chỉ định trong một số trường hợp như sau:

○ Cặp vợ chồng đã từng mang thai hoặc sinh con có bất thường di truyền

○ Cặp vợ chồng được xác định mang các tình trạng chuyển đoạn cân bằng nhiễm sắc thể

○ Chuyển phôi thất bại từ 2 lần trở lên

○ Thai sảy lưu từ 2 lần trở lên

○ Mẹ lớn tuổi (>35 tuổi)

 Bố tinh trùng ít, dị dạng nặng

Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi PTG-A
Xét nghiệm PGT – A thường được chỉ định cho trường hợp người mẹ từ 35 tuổi trở lên, có tiền sử sảy thai/lưu thai, chuyển phôi thất bại…

6. Giới hạn của xét nghiệm PGT-A

○ PGT-A giúp phát hiện các bất thường di truyền ở mức độ số lượng nhiễm sắc thể và cấu trúc nhiễm sắc thể (kích thước từ 5-10Mb), không phát hiện được bất thường cấu trúc cân bằng (chuyển đoạn cân bằng, đảo đoạn cân bằng), mất/lặp đoạn nhỏ nhiễm sắc thể, đột biến gen. Do đó, chỉ định cần được đưa ra phù hợp và tư vấn di truyền trước xét nghiệm nên được thực hiện.

○ Mẫu sinh thiết tế bào thực hiện xét nghiệm PGT-A là 5-7 tế bào vùng lá nuôi phôi, có tỷ lệ khác biệt giữa vùng này với các vùng khác của phôi, đặc biệt vùng phát triển thành thai, do đó kết quả PGT-A không đại diện cho toàn bộ phôi. Kết quả PGT-A tốt không khẳng định phôi thai sẽ phát triển tốt và không mắc bệnh di truyền.

○ Thời điểm lấy mẫu sinh thiết là phôi ngày 5-6, phôi thai phát triển trải qua nhiều giai đoạn trong tương lai, với nguy cơ phát sinh các bất thường di truyền, nhiễm vi khuẩn, virus sau đó, nên vẫn cần thực hiện sàng lọc và chẩn đoán trước sinh theo quy trình sản khoa.

Sàng lọc di truyền trước chuyển phôi PTG-A
Hình ảnh minh họa về quy trình sàng lọc di truyền trước chuyển phôi.

Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn và giải đáp liên quan đến sàng lọc di truyền trước chuyển phôi (PGT-A) cần được Bác sĩ Phương Hoa hỗ trợ, vui lòng liên hệ tại đây. 

 

messenger