Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR)

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR) thường được chỉ định cho các cặp vợ chồng có bất thường cấu trúc NST để mang đến cơ hội có thai khỏe mạnh, tránh gặp phải các bệnh lý do ảnh hưởng từ bố mẹ. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp các thông tin cần biết về xét nghiệm này. 

1. Giới thiệu chung

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (pre-implantation genetic testing for Chromosomal structural rearrangements, PGT-SR) là một xét nghiệm di truyền được thực hiện trên mẫu phôi giúp phát hiện các bất thường do hậu quả đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể đã biết ở bố mẹ.

Bất thường cấu trúc NST là những thay đổi liên quan đến kích thước (mất/lặp đoạn) hoặc sự tái cấu trúc nhiễm sắc thể (đảo đoạn, chuyển đoạn). Những người mang bất thường này có thể tạo phôi bất thường, gây thai sảy, lưu hoặc bệnh lý ở trẻ. PGT-SR là giải pháp để hỗ trợ các cặp vợ chồng có mang bất thường cấu trúc NST có cơ hội có thai khỏe mạnh, tránh được bệnh lý do bất thường ở bố mẹ gây ra.

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể
Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể giúp chọn ra những phôi tốt, tăng tỷ lệ mang thai và sinh con khỏe mạnh.

2. Nguyên lý xét nghiệm

  • Một số nguy cơ có thể dẫn đến sai kết quả khi thực hiện xét nghiệm trên mẫu sinh thiết phôi:

+ Nhiễm mẫu: có thể nhiễm từ các tế bào hạt của mẹ, nhiễm tế bào từ môi trường, từ nhân viên y tế vào mẫu sinh thiết. Do đó có thể dẫn đến sai kết quả.

+ Do lượng vật chất di truyền (DNA) từ 5-7 tế bào phôi trên mẫu sinh thiết là rất ít, WGA (khuếch đại toàn bộ hệ gen) được thực hiện để tăng lượng DNA. WGA có thể dẫn tới ADO tỷ lệ 20-25% (allen drop out – mất allen) là hiện tượng 1 vùng DNA không được khuếch đại, dẫn đến kết quả âm tính giả do đột biến không được nhân lên, AB (amplification bias) – khuếch đại lệch.

  • Để hạn chế những nguy cơ trên, ESHRE khuyến cáo cần thực hiện kết hợp hai phương pháp trực tiếp và gián tiếp trong PGT-SR:

+ Phương pháp trực tiếp: Xác định trực tiếp các đột biến/vùng NST bất thường đã biết từ bố mẹ trên phôi, tùy loại đột biến mà kỹ thuật xét nghiệm được chỉ định phù hợp (thường dùng là kỹ thuật FISH, Microarray, NGS …)

+ Phương pháp gián tiếp: hay còn gọi là phương pháp phân tích di truyền liên kết (linkage analysis) để xác định các marker di truyền đi cùng với đột biến, từ đó gián tiếp xác định có hay không đột biến trên mẫu phôi. Có thể dùng các markers STR (short tandem repeats – đoạn lặp ngắn) để thiết kế thí nghiệm.

3. Quy trình xét nghiệm

  • Tư vấn, thu thập thông tin di truyền:

Bác sỹ tư vấn di truyền sẽ thu thập các thông tin về bệnh lý, nguyện vọng, tình trạng di truyền của cả gia đình cũng như có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm di truyền để xác định nguyên nhân di truyền và tình trạng mang gen di truyền của các thành viên trong gia đình

  • Xây dựng bộ chỉ thị liên kết (STR) – hay còn gọi là tiền PGT-SR:

+ Mẫu của hai thế hệ (bố mẹ và con hoặc ông bà nội ngoại và bố mẹ trong trường hợp không có mẫu con) được thu thập để xây dựng chỉ thị (markers) bộ di truyền liên kết

+ Xác định bộ chỉ thị cho gia đình với đầy đủ các tiêu chí theo quy định

  • Thụ tinh nhân tạo (IVF):

Quy trình thụ tinh nhân tạo được tiến hành để tạo phôi

  • Sinh thiết phôi:

Chuyên viên phôi sẽ sinh thiết một vài tế bào từ phôi cần xét nghiệm. Việc sinh thiết này gần như không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi

  • Thực hiện quy trình PGT-SR:

+ Mẫu sinh thiết phôi được gửi đến phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm PGT-SR theo quy trình đã được thiết kế riêng cho gia đình.

+ WGA: khuếch đại toàn bộ hệ gen của mẫu phôi

+ Xác định bất thường trên phôi bằng phương pháp trực tiếp

+ Xác định bất thường trên phôi bằng phương pháp gián tiếp

+ Báo cáo và tư vấn kết quả để lựa chọn phôi chuyển

  • Chuyển phôi:

Những phôi không mang bất thường di truyền được xem xét để chuyển. Bác sỹ sẽ quyết định việc chuyển phôi nào, các phôi chưa dùng đến có thể trữ đông để bảo quản.

  • Chọc ối:

Do tỷ lệ bỏ lọt đột biến vẫn có thể xảy ra khoảng 1%, chọc ối để xác định kiểu gen của thai nhi cần thực hiện lúc 16 tuần thai.

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể
Xét nghiệm PGT-SR được thực hiện trên mẫu phôi.

4. Các kết quả có thể có:

  • Phôi không mang bất thường: khuyến cáo chuyển phôi và theo dõi
  • Phôi mang bất thường, gây nguy cơ thai sảy, lưu, dị tật: không chuyển phôi

5. Ứng dụng của xét nghiệm

PGT-SR phù hợp với bệnh nhân đã mang bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể. PGT-SR cũng được xem xét chỉ định cho những cặp bố mẹ đã có con có bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể hoặc bố hoặc mẹ đang ở thể mang của một trong những bất thường sau:

  • Mang mất đoạn hoặc lặp đoạn NST (có thể có biểu hiện bất thường trên bố/mẹ hoặc không, do tính thấm của bất thường). Với trường hợp này, nguy cơ di truyền bất thường cho thế hệ sau là 50%.
  • Đảo đoạn: là trường hợp 1 vùng NST (có thể chứa tâm động hoặc không) đứt gãy và quay 180 độ, gắn vào vị trí đứt gãy trên NST, đảo đoạn tuy không làm mất vật chất di truyền ở bố mẹ nhưng có một số trường hợp gây mất/lặp đoạn hoặc đứt gãy những gen quan trọng ở thế hệ sau, gây bất thường phôi thai.
  • Chuyển đoạn tương hỗ: Là trường hợp khi một phần của hai nhiễm sắc thể khác nhau đứt gãy và đổi chỗ cho nhau. Khi bố hoặc mẹ mang chuyển đoạn tương hỗ, xác suất tạo phôi bất thường là 50%.
  • Chuyển đoạn Robertson: Chuyển đoạn Robertson xảy ra khi hai nhiễm sắc thể tâm đầu gắn vào nhau tạo thành một nhiễm sắc thể mới. Điều này làm số lượng nhiễm sắc thể trong tế bào còn 45 thay vì 46. Bố mẹ mang chuyển đoạn Robertson gây nguy cơ bất thường thai sảy lưu, thại dị tật do các dạng Trisomy (tam nhiễm nhiễm sắc thể) với tỷ lệ cao từ gần 70-100%.

Chuyển đoạn tương hỗ:

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể

Chuyển đoạn Robertson:

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể

Đảo đoạn:

Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể

Tài liệu tham khảo:

https://www.coopergenomics.com/products/pgt-sr/

https://www.mdpi.com/2673-8856/3/1/4

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/chan-doan-phoi-tien-lam-cho-bat-thuong-cau-truc-nhiem-sac/

Trên đây là thông tin khái quát về xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi cho bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR). Nếu có thắc mắc cần bác sĩ Phương Hoa tư vấn, vui lòng liên hệ tại đây.

messenger