Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú

Ung thư là bệnh lý đa nhân tố do các yếu tố di truyền, môi trường tương tác với nhau. Trong bệnh ung thư vú, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, nhưng không đồng nghĩa người có các yếu tố này chắc chắn sẽ mắc phải căn bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số yếu tố chính gây tăng nguy cơ mắc ung thư vú, có những yếu tố nguy cơ có thể tránh hoặc giảm nhẹ để phòng ung thư vú. 

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú
Ung thư vú là một trong những loại ung thư hay gặp nhất ở phụ nữ.

1. Ai có nguy cơ cao mắc ung thư vú? 

  • Giới tính: Ung thư vú ở giới nữ có tỷ lệ cao gấp hàng trăm lần so với nam giới, do đó đây được coi là yếu tố nguy cơ chính của ung thư vú.
  • Tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng càng tăng. Đa số bệnh nhân ung thư vú được phát hiện khoảng từ 55 tuổi trở lên.
  • Tiền sử bản thân: Bệnh nhân từng mắc ung thư đặc biệt là ung thư vú, nguy cơ mắc ung thư vú tại vị trí khác cùng bên vú hoặc vú đối bên là cao hơn nhiều so với quần thể.
  • Tiền sử gia đình: 10% ung thư vú là di truyền, 15% có tính chất gia đình. Do đó, tiền sử gia đình (đặc biệt là người thân trực hệ bậc 1) mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, tiền liệt tuyến, tụy… là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của một người có mẹ, chị, hoặc con gái cao hơn 2 lần so với người không có bệnh sử gia đình. Nguy cơ này sẽ cao gấp 3 lần nếu trong gia đình có hai người bị ung thư vú. Nguy cơ của phụ nữ mà trong gia đình có bố, anh, hoặc em trai cũng cao hơn mức quần thể.
  • Chủng tộc: Phụ nữ châu Á, gốc Tây Ban Nha, và da đỏ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn người Mỹ da trắng, và gốc phi.
  • Chiều cao: chiều cao tăng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Mật độ mô vú: Phụ nữ có mật độ mô tuyến và mô sợi dày đặc hơn mật độ trung bình có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khoảng hai lần so với người có mật độ thấp.
  • U lành tuyến vú: người có u lành tuyến vú sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người hoàn toàn bình thường.
  • Chu kỳ kinh nguyệt: người có chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu sớm trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi có tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú (mẹ/chị/em gái/con gái mắc bệnh) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 2 lần.

2. Đột biến gen di truyền ung thư vú 

10% bệnh nhân ung thư vú có đột biến gen di truyền nghĩa là bệnh nhân có đột biến gen trong cơ thể từ khi sinh ra, khiến họ tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Có khoảng hơn 20 gen được báo cáo gây tăng nguy cơ mắc ung thư vú với các mức độ khác nhau:

Đột biến trên gen BRCA1BRCA2 là hai gen liên quan tới ung thư vú di truyền nhiều nhất, chiếm tới 50% ung thư vú di truyền. Người mang một đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người bình thường từ 5-7 lần (tính cho đến khi họ 80 tuổi). Tuổi mắc bệnh thường trẻ hơn và tăng nguy cơ mắc các ung thư khác như ung thư buồng trứng, tụy; với nam giới có thêm ung thư tiền liệt tuyến.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú
Người mang đột biến BRCA1/BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn bình thường từ 5 – 7 lần.

Đột biến trên gen ATM, TP53, CHEK2, PTEN, CDH1, STK11, và PALB2 cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, nguy cơ thấp hơn 2 gen BRCA1BRCA2.

Khi tiền sử bệnh nhân và gia đình tăng nguy cơ với ung thư di truyền, tư vấn di truyền và xét nghiệm di truyền là cần thiết để hỗ trợ xác định nguyên nhân di truyền, chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh.

Trên đây là những thông tin khái quát về các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt là yếu tố về di truyền. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần bác sĩ Phương Hoa tư vấn, vui lòng liên hệ. 

messenger