Hội chứng Prader Willi

Hội chứng Prader Willi là một hội chứng di truyền hiếm gặp. Trẻ mắc phải hội chứng này sẽ gặp phải một số bất thường về thể chất, tinh thần, hành vi, đặc trưng là mất kiểm soát chế độ ăn uống. Tìm hiểu thông tin về hội chứng Prader Willi trong bài viết dưới đây. 

I. Tổng quan

Hội chứng Prader Willi hay còn gọi là hội chứng mất đoạn 15q11 là một dị tật bẩm sinh do mất chức năng một số gen trên nhánh dài nhiễm sắc thể số 15 có nguồn gốc từ bố.

Hội chứng khá hiếm gặp, với tỷ lệ mắc khoảng 1/15000-1/20000 trẻ sơ sinh, ngang nhau ở nam và nữ.

Tùy vào mức độ biểu hiện bệnh, người mắc Prader Willi có thể giảm tuổi thọ.

Hội chứng Prader Willi
Hội chứng Prader Willi hay còn gọi là hội chứng mất đoạn 15q11.

II. Triệu chứng

Hội chứng Prader-willi biểu hiện một số bất thường về phát triển thể chất, tinh thần, và hành vi. Đặc điểm chính của hội chứng là cảm giác đói liên tục, thường bắt đầu từ 2 tuổi. Và biểu hiện của hội chứng thường khác nhau ở từng giai đoạn phát triển.

Hội chứng Prader Willi
Một số triệu chứng điển hình của trẻ mắc hội chứng Prader Willi.

– Trước sinh

+ Giảm hoạt động của thai nhi

+ Kích thước nhỏ hơn so với tuổi thai

+ Đa ối

+ Định vị ngôi mông

+ Sự phát triển không đối xứng trong tử cung: tăng tỷ lệ vòng đầu/chu vi bụng

+ Bàn tay và bàn chân khi siêu âm trong quý 3 có thể cho thấy vị trí bất thường của bàn tay và bàn chân của thai nhi: cổ tay bị gấp và bàn chân duỗi về phía mu với các ngón chân bị uốn cong.

–  Giai đoạn sơ sinh

+ Trương lực cơ giảm

+ Phản xạ bú kém, khóc yếu, đáp ứng kém với các kích thích bên ngoài

+ Bất thường khuôn mặt: mắt hình quả hạnh nhân, đầu hẹp ở thái dương, miệng hếch và môi trên mỏng.

+ Bộ phận sinh dục kém phát triển: trẻ nam có thể có dương vật và bìu nhỏ, tinh hoàn nhỏ hoặc không di chuyển xuống bìu (cryptorchidism). Ở nữ giới, âm vật và môi âm hộ có thể nhỏ.

– Trẻ lớn đến trưởng thành

+ Thèm ăn, ăn uống nhiều, không kiềm chế được khả năng ăn uống và tăng cân

+ Tuyến sinh dục phát triển muộn, dậy thì muộn, cơ quan sinh dục phát triển không đầy đủ.

+ Chậm phát triển trí tuệ.

+ Rối loạn giấc ngủ, những rối loạn có thể dẫn đến buồn ngủ ban ngày quá mức và làm trầm trọng thêm các vấn đề về hành vi.

+ Các dấu hiệu và triệu chứng khác: bàn tay và bàn chân nhỏ, vẹo cột sống, giảm lượng nước bọt, cận thị và các vấn đề về thị lực khác, các vấn đề về thân nhiệt, ngưỡng chịu đau cao, giảm sắc tố gây ra tóc, mắt và da nhợt nhạt.

Hội chứng Prader Willi
Biểu hiện của hội chứng Prader Willi khác nhau ở từng giai đoạn phát triển của trẻ.

III. Nguyên nhân

Hội chứng Prader Willi là một rối loạn di truyền do sai lệch của các gen thuộc nhiễm sắc thể 15 có nguồn gốc từ người cha. Các gen hoạt động theo cơ chế dấu ấn di truyền (genetic imprinting) là một cơ chế điều hòa gen. Gen nằm trên nhiễm sắc thể có thể bị bất hoạt tùy thuộc vào việc nhiễm sắc thể đó có nguồn gốc từ bố hay từ mẹ cho con.

Nhiễm sắc thể số 15 chứa vùng gen hoạt động theo cơ chế này (PWCR). Trong 2 nhiễm sắc thể 15, 1 chiếc có nguồn gốc từ bố, 1 chiếc có nguồn gốc từ mẹ. Ở người bình thường, vùng gen PWCR bị bất hoạt ở nhiễm sắc thể từ mẹ do hiện tượng methyl hóa nên chỉ có vùng gen ở NST từ người bố hoạt động. Hội chứng Prader Willi xảy ra nếu có 1 nguyên nhân khiến cho vùng gen còn lại ở NST từ người bố cũng bị mất chức năng.

Những yếu tố gen bất thường có thể bao gồm:

  • Gen nằm trên nhiễm sắc thể số 15 của người cha bị thiếu
  • Trẻ được nhận 2 bản sao nhiễm sắc thể 15 từ mẹ nhưng không nhận được nhiễm sắc thể 15 nào từ cha
  • Chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể 15 và các nhiễm sắc thể khác gây mất đoạn tại vị trí 15q11-q13
  • Đột biến tại vùng trung tâm dấu ấn di truyền dẫn đến sự methyl hóa và bất hoạt các gen hoạt động theo cơ chế dấu ấn di truyền

Những khiếm khuyết di truyền này gây phá vỡ các chức năng của vùng dưới đồi là một vùng thuộc não có chức năng kiểm soát việc giải phóng hormon. Khi vùng này không thể hoạt động bình thường có thể ảnh hưởng đến việc điều khiển hormone gây đói, khát, tăng trưởng và phát triển giới tính.

IV. Chẩn đoán

Nghi ngờ hội chứng Prader Willi khi bệnh nhân có những biểu hiện lâm sàng đặc trưng, và xác nhận chẩn đoán bằng xét nghiệm di truyền.

Các xét nghiệm di truyền có thể được thực hiện trước hoặc sau sinh khi nghi ngờ trên lâm sàng bao gồm: MS-PCR, FISH, Microarray, MLPA, Karyotype, giải trình tự gen tùy vào nhóm nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng Prader Willi
Các xét nghiệm di truyền có thể thực hiện trước hoặc sau sinh để chẩn đoán trẻ có mắc hội chứng Prader Willi hay không.

V. Điều trị

Không có phương pháp thay đổi di truyền cho người mắc hội chứng này.

Điều trị và can thiệp y tế phụ thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân (VD: cung cấp dinh dưỡng phù hợp, điều trị hormon, hướng dẫn chăm sóc cho cha mẹ).

VII. Tiên lượng

Tuổi thọ trung bình của người mắc hội chứng Prader willi có thể giảm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một số biến chứng có thể gặp như: các bệnh liên quan đến tình trạng béo phì (tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch do tăng cholesterol, sỏi túi mật,…), do sản xuất hormon không đủ (VD: loãng xương, vô sinh),…

Nguy cơ PWS xảy ra ở anh chị em của người bị ảnh hưởng là rất thấp (<1%) trừ khi có sự chuyển đoạn hoặc xóa nhiễm sắc thể của cha mẹ ảnh hưởng đến trung tâm in dấu (ít hơn 1% trường hợp PWS) thì tỷ lệ tái mắc có thể từ 25-50%.

VII. Phòng bệnh

– Siêu âm: Xác định tuổi thai, chỉ số cơ bản của thai nhi, phát hiện các bất thường đặc trưng liên quan đến hội chứng.

– Nguy cơ tái mắc PWS ở anh chị em của trẻ mắc hội chứng phụ thuộc vào loại bất thường di truyền. Tư vấn và khám di truyền giúp xác định nguyên nhân và xác định nguy cơ, dự phòng cho con tiếp theo.

– IVF và xét nghiệm phôi (PGT-A/PGT-M) có thể được khuyến cáo cho trường hợp trẻ mắc bệnh do người cha mang chuyển đoạn cân bằng hoặc mất vùng trung tâm in dấu (imprinting center).

Tài liệu tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK1330/

uptodate.com

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prader-willi-syndrome/symptoms-causes/syc-20355997

Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn và giải đáp liên quan đến hội chứng Prader Willi cần được Bác sĩ Phương Hoa hỗ trợ, vui lòng điền thông tin đăng ký tại đây.

messenger