Hội chứng Noonan

Hội chứng Noonan là một rối loạn di truyền bẩm sinh khá phổ biến với các đặc trưng điển hình là tầm vóc thấp, bất thường ở tim, chậm phát triển… Hội chứng này ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể, kéo theo nhiều hệ lụy cho sự phát triển của trẻ. Chính vì thế chủ động tìm hiểu thông tin để có thể phát hiện sớm, can thiệp đúng cách và phòng ngừa hạn chế tối đa nguy cơ mắc phải hội chứng Noonan là rất cần thiết. 

1. Hội chứng Noonan là gì?

Hội chứng Noonan (Noonan Syndrome-NS) là một rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau trên cơ thể đặc biệt liên quan đến tầm vóc thấp và tim bẩm sinh.

Hội chứng Noonan khá thường gặp, tỷ lệ mắc khoảng 1/1000 đến 1/2500 đối với ca sinh sống có biểu hiện nghiêm trọng. Các trường hợp nhẹ phổ biến hơn với tỷ lệ 1/100.

2. Triệu chứng của hội chứng Noonan

Hội chứng Noonan không đồng nhất về mặt lâm sàng và có thể biểu hiện ở mọi lứa tuổi, khác nhau ở từng đối tượng.

Những triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Đặc điểm khuôn mặt: Đầu to tương đối so với khuôn mặt, hai mắt cách xa nhau (>80%), nếp mí rẻ quạt, tai cụp thấp, cổ ngắn, cổ có màng và hàm dưới nhỏ, cằm nhỏ. Ngoài ra có thể quan sát thấy trán cao, lông mày cong cao, đầu mũi to, sống mũi lõm xuống.
  • Tầm vóc thấp: có tới hơn 70% các trường hợp không đạt được chiều cao trung bình khi trưởng thành.
  • Bất thường Tim: thường gặp nhất là hẹp van động mạch phổi (50%). Ngoài ra người bệnh có thể mắc bệnh cơ tim phì đại và dị tật vách liên nhĩ,….
  • Chậm phát triển: Chậm vận động, ngôn ngữ.
Hội chứng Noonan
Những đặc trưng ở khuôn mặt trẻ mắc hội chứng Noonan.

Triệu chứng có thể được phát hiện/biểu hiện khác nhau ở từng giai đoạn phát triển:

  • Trước sinh: Hội chứng thận hư gây rối loạn phát triển hệ bạch huyết, do đó có thể có các biểu hiện: tăng khoảng sáng sau gáy (phổ biến nhất), nang bạch huyết, cổ trướng và phù thai. Ngoài ra còn một số dấu hiệu có thể nhận thấy trên siêu âm gồm đa ối, ngắn đầu chi nhẹ, đầu to, thai to.
  • Sơ sinh: Thường không quá nhiều khác biệt so với thời kỳ trước sinh. Hẹp động mạch phổi hoặc bệnh tim bẩm sinh có thể được phát hiện khi thăm khám cho trẻ ở giai đoạn này.
  • Thanh thiếu niên: Đây là thời kỳ những đặc điểm về khuôn mặt và thể chất khác có thể xuất hiện. Trong đó các đặc điểm trên khuôn mặt dễ nhận ra nhất từ cuối năm đầu đời.
  • Tuổi trưởng thành: Nguy cơ vô sinh nam cao hơn ngay cả người không mắc tinh hoàn ẩn.
Hội chứng Noonan
Hội chứng Noonan xảy ra do đột biến ở một số gen liên quan đến con đường RAS-MAPK.

3. Nguyên nhân gây ra hội chứng Noonan

Hội chứng Noonan do đột biến ở một số gen liên quan đến con đường RAS-MAPK, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và biệt hóa tế bào. Những gen này có thể được di truyền từ cha mẹ

hoặc là đột biến mới xuất hiện ở thế hệ con (phổ biến hơn với 60% trường hợp). Khoảng một nửa số đột biến đã biết liên quan đến gen PTPN11. Một số gen khác với tỷ lệ xuất hiện thấp hơn như SOS1 (11%), SOS2, RAF1(5%), RIT1(5%), LZTR1, NRAS, SHOC2, CBL, KRAS, BRAF, MAP2K1, PPP1CB, MRAS,…

Do mỗi gen gây các biểu hiện khác nhau nên cần chú ý có một số trường hợp người bệnh biểu hiện rất nhẹ và dễ bị bỏ qua.

4. Chẩn đoán hội chứng Noonan

Chẩn đoán hội chứng Noonan dựa vào các đặc điểm lâm sàng và xác định bằng xét nghiệm di truyền nhóm các gen liên quan đến hội chứng Noonan (giải trình tự gen thế hệ mới NGS) sau khi xem xét mối liên hệ kiểu gen kiểu hình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng với kết quả xét nghiệm gen dương tính có thể khẳng định chẩn đoán, nhưng xét nghiệm gen âm tính không thể loại trừ chẩn đoán.

Tiêu chí chẩn đoán dựa vào lâm sàng khi:

  • Bất thường khuôn mặt đặc trưng và 1 tiêu chí chính/2 tiêu chí phụ
  • Hoặc nghi ngờ bất thường khuôn mặt và 2 tiêu chí chính/3 tiêu chí phụ

Chi tiết các tiêu chí có trong bảng sau:

Đặc điểm Chính Phụ
1. Khuôn mặt bất thường Bất thường điển hình Bất thường gợi ý khác
2. Tim mạch Hẹp van động mạch phổi và/hoặc bệnh cơ tim phì đại Dị tật tim khác
3. Chiều cao Nhỏ hơn bách phân vị thứ 3 Nhỏ hơn bách phân vị thứ 10
4. Thành ngực Ngực nhô ức gà/lõm thành ngực Thành ngực rộng
5. Tiền sử gia đình Có người thân cấp 1 được chẩn đoán NS Có người thân cấp 1 nghi ngờ NS
6. Biểu hiện khác Chậm phát triển nhẹ, tinh hoàn ẩn loạn sản bạch huyết Chậm phát triển nhẹ, tinh hoàn ẩn hoặc loạn sản bạch huyết

5. Điều trị hội chứng Noonan

Không có phương pháp thay đổi di truyền cho người mắc hội chứng này.

Chẩn đoán sớm giúp cá thể hóa điều trị và cải thiện tiên lượng cho người mắc bệnh.

Điều trị và can thiệp y tế phụ thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân tránh được những diễn biến phức tạp của bệnh.

  • Điều trị khuyết tật tim: bằng thuốc, phẫu thuật van tim,…
  • Theo dõi tăng trưởng và can thiệp liệu pháp hormone nếu cần
  • Hỗ trợ các vấn đề khó khăn trong học tập.
  • Khám thính lực, thị lực để hỗ trợ thiết bị trợ thính hoặc kính mắt nếu có.
  • Nếu tinh hoàn lạc chỗ cần chỉ định phẫu thuật sớm.

6. Tiên lượng

Mức độ nghiêm trọng của người mắc hội chứng Noonan rất khác nhau, có thể nghiêm trọng gây tử vong trước sinh đến những ảnh hưởng nhẹ và không ảnh hưởng đến tuổi thọ. Mặc dù phần lớn gặp các khó khăn về sự phát triển trí tuệ, thể chất nhưng đa số người mắc hội chứng Noonan đều có thể học ở trường bình thường, hoạt động bình thường khi trưởng thành.

Tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Liên quan đến dị tật tim, tỷ lệ tử vong cao nhất ở người trẻ tuổi mắc bệnh cơ tim phì đại được chẩn đoán trước 2 tuổi.

Phần lớn các trường hợp bệnh do đột biến mới phát sinh. Trong trường hợp cha mẹ mắc bệnh tỷ lệ phát triển hội chứng Noonan ở anh chị em ruột của trẻ mắc bệnh là 50%, tỷ lệ này dưới 1% nếu cha mẹ không mắc bệnh.

Hội chứng Noonan
Mức độ nghiêm trọng của người mắc hội chứng Noonan rất khác nhau, có thể nặng hoặc nhẹ, tùy theo từng ca bệnh.

7. Cách phòng bệnh

Hội chứng Noonan có thể được gợi ý trong kết quả siêu âm sàng lọc trước sinh: Sự hiện diện của đa ối, độ mờ da gáy dày và nang bạch huyết vùng cổ trên siêu âm tiền sản có thể cung cấp các gợi ý quan trọng cho chẩn đoán, từ đó là cơ sở xem xét tiến hành chẩn đoán trước sinh trên mẫu ối hoặc mẫu gai rau.

Ngoài ra, nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh đã xác định được đột biến, có thể thực hiện chẩn đoán trước sinh để xác định nguy cơ mắc bệnh ở thai hoặc chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (IVF/PGT-M) để chủ động lựa chọn phôi thai không mắc bệnh.

Tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh cho thai kỳ tiếp theo với Bác sĩ chuyên khoa.

Trên đây là những thông tin cần biết về hội chứng Noonan, hy vọng đã mang tới cho quý độc giả những kiến thức hữu ích để chủ động điều trị, phòng tránh, hạn chế tối đa các hệ lụy của hội chứng này đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của con trẻ.

Nếu có thắc mắc cần bác sĩ Phương Hoa giải đáp hoặc tư vấn về hội chứng Noonan, vui lòng liên hệ tại đây.

messenger