Hội chứng DiGeorge

Hội chứng DiGeorge là một rối loạn di truyền hay gặp xảy ra khi một đoạn của nhiễm sắc thể 22 bị mất, dẫn tới một loạt các di chứng cho sức khỏe của trẻ như: dị tật tim, suy giảm miễn dịch, biến dạng mặt, chậm phát triển… Tìm hiểu về hội chứng này qua các thông tin trong bài viết sau đây để chủ động phòng tránh, can thiệp đúng cách. 

Hội chứng DiGeorge
Hội chứng DiGeorge còn được gọi là hội chứng mất đoạn 22q11.2.

1. Hội chứng DiGeorge là gì?

Đây là một rối loạn di truyền gây ra do mất một đoạn trên nhánh dài nhiễm sắc thể 22 (22q11.2). Kích thước và vị trí của đoạn NST bị mất sẽ biểu hiện nhóm triệu chứng thay đổi.

Hội chứng này được mô tả lần đầu năm 1968 bởi bác sĩ Angelo DiGeorge. Tỷ lệ mắc hội chứng DiGeorge khoảng 1/4000 – 1/6000 trẻ sinh ra sống.

2. Triệu chứng của hội chứng DiGeorge

Biểu hiện của hội chứng DiGeorge tương đối đa dạng và thay đổi giữa các bệnh nhân, kể cả các bệnh nhân trong cùng một gia đình. Bộ ba triệu chứng điển hình của hội chứng này gồm dị tật tim, thiểu sản tuyến ức và hạ canxi máu.

  • Dị tật tim: khoảng 80% các trường hợp mắc hội chứng này có dị tật tim, trong đó thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot, và thân chung động mạch là các bất thường phổ biến nhất.
  • Thiểu sản tuyến ức: tuyến ức là nơi trưởng thành của các tế bào lympho T – một tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân mắc hội chứng DiGeorge thường bị thiểu sản tuyến ức dẫn đến suy giảm miễn dịch. Mức độ suy giảm nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ thiểu sản tuyến ức.
  • Hạ canxi máu: tuyến cận giáp bị mất chức năng sản xuất Parahormon (PTH). Đây là hormone có chức năng tăng lượng nồng độ canxi trong máu để duy trì ổn định lượng canxi cho cơ thể. Do đó ở người bệnh khi hormone này giảm sẽ làm hạ canxi máu và gây ra tình trạng rối loạn cảm giác của môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân, co thắt các cơ và đau nhức cơ.
Hội chứng DiGeorge
80% trẻ mắc hội chứng DiGeorge có dị tật ở tim.

Dựa trên mức suy giảm miễn dịch, hội chứng DiGeorge được chia làm 2 loại:

  • Hội chứng DiGeorge toàn phần: Tuyến ức bất sản, tỷ lệ tế bào lympho T trong máu rất thấp (<1%-2%), bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, nguy cơ tử vong nếu không được ghép tuyến ức và hội chứng DiGeorge một phần: tuyến ức thiểu sản, tỷ lệ tế bào lympho T thay đổi.
  • Hạ canxi máu: Nguyên nhân gây hạ canxi máu ở bệnh nhân mắc hội chứng DiGeorge là do thiểu năng tuyến cận giáp, đa số khởi phát trong giai đoạn sơ sinh với biểu hiện co cứng hoặc co giật, canxi máu thấp, tăng Phosphat máu và nồng độ PTH giảm rất thấp.

Các biểu hiện thường gặp khác gồm:

  • Bất thường mặt: đầu nhỏ; tai nhỏ, bám thấp; mũi hình củ hành.
  • Bất thường vòm miệng: khe hở môi, khe hở vòm miệng gặp ở 67% các trường hợp mắc hội chứng DiGeorge.
  •  Điếc bẩm sinh
  •  Rối loạn tự miễn
  • Chậm phát triển: Tình trạng chậm phát triển được ghi nhận ở đa số các trường hợp mắc hội chứng này, đặc biệt là chậm nói.
  • Rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi: rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo lắng.
  • Các biểu hiện ít gặp hơn: vẹo cột sống, dị tật đường sinh dục tiết niệu bao gồm dị tật thận (ví dụ: thận ứ nước, bất sản thận, thận đa nang/loạn sản thận), tinh hoàn ẩn và lỗ tiểu lệch thấp, …
Hội chứng DiGeorge
Khuôn mặt điển hình của trẻ mắc hội chứng DiGeorge: đầu nhỏ, tai nhỏ, mũi củ hành…

3. Nguyên nhân

Phần lớn nguyên nhân gây ra hội chứng DiGeorge là do mất một đoạn trên nhánh dài nhiễm sắc thể 22 (22q11.2). Đến nay có ít nhất 30 gen thuộc vùng này đã được xác định, trong đó gen TBX1 được cho là đóng vai trò quan trọng nhất đối với kiểu hình của hội chứng DiGeorge, đặc biệt là dị tật tim và thiểu sản tuyến ức.

90% các trường hợp vi mất đoạn xảy ra do phát sinh ngẫu nhiên (de novo) trong quá trình hình thành và phát triển các tế bào sinh dục (trứng và tinh trùng) hoặc phôi thai trong giai đoạn rất sớm, trong trường hợp này tỷ lệ tái mắc ở con là thấp, dưới 1%. 10% các trường hợp vi mất đoạn xảy ra do bố/mẹ có vi mất đoạn 22q11.2 với biểu hiện lâm sàng nhẹ và không điển hình. Trong trường hợp này tỷ lệ tái mắc ở con là 50%.

Khoảng 10%-15% các trường hợp có triệu chứng điển hình của hội chứng DiGeorge không phát hiện thấy vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể 22. Một số trường hợp (2%-5%) có vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể 10, còn lại chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.

4. Chẩn đoán

Trong giai đoạn thai kỳ, một số dấu hiệu siêu âm có thể gợi ý đến hội chứng DiGeorge như bất thường tim, khe mở môi, khe hở vòm miệng, bất thường thận, đa ối. Tuy nhiên các dấu hiệu này không đặc hiệu cho hội chứng DiGeorge, có thể gặp ở nhiều hội chứng bất thường di truyền khác, do đó chỉ có giá trị gợi ý để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định.

Mẹ bầu có thể sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm di truyền để chẩn đoán hội chứng DiGeorge gồm: Lai huỳnh quang tại chỗ (FISH) đặc hiệu cho vị trí 22q11.2, MLPA, array CGH, SNP array.

5. Điều trị

Không có phương pháp thay đổi di truyền cho trẻ mắc hội chứng này.

Các phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng; can thiệp phẫu thuật với trẻ có dị tật tim, khe hở môi – vòm miệng; giáo dục ngôn ngữ, tâm lý nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Hội chứng DiGeorge
Một số biện pháp điều trị triệu chứng giúp trẻ mắc hội chứng DiGeorge cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

6. Phòng bệnh

Sàng lọc trước sinh là biện pháp có ý nghĩa cho hội chứng DiGeorge với siêu âm khảo sát hình thái thai nhi, NIPT cho vi mất đoạn 22q11.2, và các xét nghiệm di truyền chẩn đoán trước sinh trên mẫu gai nhau hoặc dịch ối nếu cần thiết.

Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo xét nghiệm di truyền cho bố mẹ (Karyotype và FISH/Microarray) trong trường hợp có con chẩn đoán hội chứng DiGeorge để phát hiện các trường hợp bố mẹ có vi mất đoạn 22q11.2 với triệu chứng lâm sàng không điển hình hoặc mang các chuyển đoạn cân bằng. Trong trường hợp bố hoặc mẹ mang vi mất đoạn 22q11.2 gây hội chứng DiGeorge, chu kỳ IVF và xét nghiệm phôi (PGT) được khuyến cáo thực hiện để lựa chọn phôi không mang vi mất đoạn này.

Đặc biệt các cặp vợ chồng nên tư vấn di truyền và chẩn đoán trước sinh cho thai kỳ tiếp theo với Bác sĩ chuyên khoa.

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về hội chứng DiGeorge để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của con trẻ trong tương lai.

Nếu có thắc mắc cần được bác sĩ Phương Hoa tư vấn về Hội chứng DiGeorge, vui lòng liên hệ tại đây.

messenger