Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (Non-invasive prenatal testing) giúp phát hiện sớm các dị tật thai nhi để có thể can thiệp kịp thời. Xét nghiệm này đang được ứng dụng sâu rộng tại Việt Nam trong bối cảnh mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 13 phút lại có 1 trẻ bị dị tật bẩm sinh được sinh ra. Bài viết sau sẽ cung cấp đến độc giả những thông tin cần biết về xét nghiệm này để có được một thai kỳ và thai nhi khỏe mạnh.
1. Tổng quan
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) là phương pháp sàng lọc bệnh lý di truyền trước sinh với độ chính xác cao. NIPT là xét nghiệm an toàn vì chỉ lấy máu mẹ, không gây nguy hiểm cho thai. Tuy nhiên, điều lưu ý là NIPT chỉ là xét nghiệm sàng lọc, không phải xét nghiệm chẩn đoán, không giúp khẳng định thai nhi mắc bệnh lý di truyền hay không.
2. Mục đích của xét nghiệm
Xét nghiệm NIPT được thực hiện từ tuần thai thứ 9 của thai kỳ, bằng cách lấy 7-10ml máu ngoại vi của mẹ.
Xét nghiệm này giúp khảo sát nguy cơ mắc các bệnh lý di truyền của thai nhi:
- Hội chứng Down (Trisomy 21) – thừa 1 NST 21
- Hội chứng Edwards (Trisomy 18) – thừa 1 NST 18
- Hội chứng Patau (Trisomy 13) – thừa 1 NST 13
- Hội chứng Turner (45,X) – thiếu 1 NST X
- Hội chứng Tam nhiễm X (47,XXX) – thừa 1 NST X
- Hội chứng Klinefelter (47,XXY) – thừa 1 NST X
- Hội chứng Jacobs (47,XYY) – thừa 1 NST Y
Ngoài ra xét nghiệm NIPT còn được thực hiện mở rộng để khảo sát các bất thường khác như:
- Tình trạng thừa/thiếu các NST khác
- Các bất thường mất/lặp đoạn
- Đột biến mới (de-novo) một số bệnh gen trội
Tuy nhiên, độ nhạy, đặc hiệu của xét nghiệm với các bệnh lý mở rộng này còn hạn chế.
3. Cơ sở khoa học của xét nghiệm NIPT
Từ tuần thứ 5 của thai kỳ, thai nhi kết nối với mẹ thông qua hệ thống bánh nhau. Những tế bào bánh nhau khi già đi sẽ đi vào chu trình chết tự nhiên (apoptosis) và phóng thích các mảnh vật chất di truyền (cfDNA – ADN tự do) của bánh nhau vào máu mẹ. Các ADN tự do này có tỷ lệ tương đồng khá lớn về di truyền với ADN của thai nhi, do đó có thể dùng để khảo sát nguy cơ mắc bệnh di truyền cho thai. Trong máu mẹ khi mang thai có chứa hỗn hợp ADN tự do của mẹ và nhau thai, để lượng ADN tự do của thai đủ thực hiện xét nghiệm, mẫu sẽ được lấy từ khoảng 9 tuần thai.
Khi lấy mẫu của mẹ, ADN tự do của thai nhi được phân tích bằng các phương pháp xét nghiệm và phần mềm tính toán kết quả hiện đại. Nguy cơ mắc bệnh di truyền của thai nhi sẽ được phát hiện để tư vấn cho thai phụ và gia đình.
4. Các bước thực hiện xét nghiệm NIPT
Tư vấn trước xét nghiệm: tìm hiểu tiền sử, bệnh sử gia đình và thăm khám quá trình thai sản, xem các kết quả thai kỳ lần này (nếu có): siêu âm, double test, triple test,…
- Lấy mẫu: 7-10ml máu ngoại vi của mẹ được bảo quản trong ống chuyên dụng cho xét nghiệm NIPT
- Tiến hành xét nghiệm NIPT: máu của mẹ được đưa vào phòng thí nghiệm thực hiện tách chiết DNA tự do của thai, giải trình tự ADN, so sánh trình tự ADN với trình tự tham chiếu (reference sequence)
- Phân tích kết quả: bằng phần mềm đặc biệt cho xét nghiệm với các công thức tính toán chuyên dụng, nguy cơ mắc một số bệnh di truyền của thai được phân tích và đưa ra kết luận
- Tư vấn kết quả xét nghiệm: chuyên gia sẽ tư vấn kết quả và hỗ trợ chăm sóc thai kỳ tiếp theo cho mẹ bầu.
5. Ưu điểm và giới hạn của xét nghiệm NIPT
Ưu điểm
- Xét nghiệm NIPT là xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh với độ nhạy, đặc hiệu cao
Độ nhạy cho 3 hội chứng bệnh T21, T18, T13 lần lượt là 98,8%; 98,83% và 92,85% trong khi đó tỷ lệ dương tính giả chỉ lần lượt là 0,04%; 0,07% và 0,04%. Tuy nhiên, độ nhạy với các bất thường di truyền khác sẽ thấp hơn.
- Mức độ khảo sát rộng với đa dạng các nhóm bệnh lý sẽ giúp các Bác sĩ và thai phụ có nhiều thông tin theo dõi thai kỳ.
- Có thể thực hiện bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ từ tuần thai thứ 9, không lo bỏ lỡ các thời điểm xét nghiệm như double test, triple test
Giới hạn
- Do chỉ là xét nghiệm trên mẫu bánh nhau, không phải mẫu thai nhi, do đó xét nghiệm NIPT vẫn có tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả. Xét nghiệm NIPT chỉ là xét nghiệm sàng lọc, không phải xét nghiệm chẩn đoán.
- NIPT chỉ khảo sát một số dạng bất thường di truyền, không phải tất cả các bệnh lý, đặc biệt các bệnh lý đột biến gen. Do đó, thai phụ vẫn cần theo dõi thai kỳ theo hướng dẫn của Bác sĩ sản khoa, đặc biệt là siêu âm khảo sát hình thái.
6. Chỉ định và chống chỉ định của xét nghiệm NIPT
6.1. Những ai nên thực hiện NIPT?
NIPT có thể sử dụng như một phương pháp sàng lọc trước sinh hiện đại, chính xác cho mọi mẹ bầu. Đặc biệt có ý nghĩa trong các trường hợp:
- Mẹ trên 35 tuổi, ưu tiên trên 38 tuổi
- Có tiền sử mang thai với các bất thường NST.
- Nghi ngờ từ các kết quả siêu âm và sinh hóa.
- Thai IVF
- Lo lắng khi phải thực hiện các xét nghiệm xâm lấn.
- Thai phụ có Rh âm (-), trường hợp thai phụ nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C khi không có các chống chỉ định của NIPT.
6.2. Những trường hợp chưa/không phù hợp làm NIPT
- Độ mờ da gáy ³ 3,5mm
- Nguy cơ test kết hợp ³ 1/50
- Các trường hợp siêu âm phát hiện thai đa dị tật, dị tật cấu trúc lớn, thai chậm phát triển
- Tuổi thai <9 tuần
- Nhiều hơn 2 thai
- Ghép tạng.
- Truyền máu trong 1 năm trở lại
- Ghép tế bào gốc.
- Song thai tiêu biến (<8 tuần) và thời điểm sau 8 tuần thai
- Bố/mẹ mang bất thường số lượng NST
- Bố/mẹ mang chuyển đoạn cân bằng NST
- Bố/mẹ có mang đột biến gen bệnh di truyền
7. Các loại kết quả NIPT và theo dõi thai kỳ
Nguy cơ thấp: thai có nguy cơ thấp mắc các bệnh lý được xét nghiệm, tuy nhiên chưa thể loại trừ hoàn toàn do sự khác biệt nhỏ giữa ADN của thai và bánh nhau. Và do còn nhiều bệnh chưa được khảo sát do đó cần tiếp tục theo dõi thai trên siêu âm và các xét nghiệm khác theo chỉ định của Bác sĩ sản khoa.
Nguy cơ cao: bạn sẽ được các chuyên gia tư vấn thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh để xác định chính xác bệnh lý của thai và có hướng chăm sóc thai kỳ phù hợp. Tùy vào các thông số trên kết quả NIPT, siêu âm, tiền sử gia đình,… mà các Bác sĩ sẽ tư vấn thời điểm và phương pháp chẩn đoán trước sinh (sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối) phù hợp.
(Tham khảo guideline về nội dung này tại đây)
Xét nghiệm không kết luận được: một tỷ lệ nhỏ 1-3% kết quả báo cáo là không kết luận được do một số nguyên nhân như lượng ADN tự do của thai nhi thấp, công nghệ xét nghiệm, hay do một số bệnh lý đặc biệt ở mẹ và thai. Tùy nguyên nhân, Bác sĩ có thể thực hiện lại xét nghiệm ở một thời điểm khác của thai kỳ hoặc tư vấn các phương pháp sàng lọc khác thay thế.
Trên đây là tổng hợp những thông tin khái quát về xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn NIPT. Qua đây có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của xét nghiệm này trong việc phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi từ đó giảm bớt tỷ lệ trẻ mắc các hội chứng di truyền nguy hiểm do nhiễm sắc thể, giảm bớt gánh nặng cho mỗi gia đình cũng như xã hội.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn và giải đáp liên quan đến xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) cần được Bác sĩ Phương Hoa hỗ trợ, vui lòng liên hệ tại đây.
Bác sĩ Phương Hoa
Chuyên gia di truyền y học
Liên hệ với bác sĩ
Website này được xây dựng với mong muốn lan tỏa những thông tin hữu ích trong lĩnh vực di truyền học, trở thành kênh kết nối chuyên môn giữa các bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.