Tìm hiểu cách điều trị ung thư đại tràng giúp người bệnh và gia đình có sự chuẩn bị về mặt tâm lý, kinh tế để can thiệp càng sớm càng tốt, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng là ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất. Bệnh được phân thành 4 giai đoạn dựa theo mức độ xâm lấn của ung thư tới các lớp cấu trúc của đại tràng và các bộ phận khác trên cơ thể. Ung thư giai đoạn I có tỷ lệ sống thêm 5 năm cao trên 90%, các giai đoạn muộn hơn, tỷ lệ sống thêm giảm, tiên lượng xấu hơn, với giai đoạn IV chỉ còn 11%.
2. Phân loại ung thư đại tràng
2.1. Giai đoạn I
Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, hay còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ, khối ung thư chỉ giới hạn trong niêm mạc đại tràng.
2.2. Giai đoạn II
Các tế bào ung thư bắt đầu lan ra khỏi đại tràng, di căn tới các cơ quan bên cạnh. Giai đoạn 2 được chia nhỏ thành các giai đoạn IIa, IIb, IIc theo mức độ di căn của ung thư.
- Giai đoạn IIa: Ung thư đã xuyên qua lớp cơ, xâm lấn vào lớp thanh mạc của đại tràng tuy nhiên chưa xâm lấn bạch huyết hoặc các mô bên cạnh.
Giai đoạn IIb: Ung thư phát triển tới phúc mạc, tuy nhiên chưa xâm lấn bạch huyết.
Giai đoạn IIc: Ung thư xâm lấn hoặc dính trực tiếp vào các cấu trúc lân cận nhưng chưa xâm lấn bạch huyết.
2.3. Giai đoạn III
Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn hạch bạch huyết lân cận. Tùy thuộc số bạch huyết bị xâm lấn, giai đoạn này chia nhỏ thành IIIa, IIIb, IIIc.
- Giai đoạn IIIa, ung thư ảnh hưởng tới các hạch bạch huyết gần với đại tràng, từ 1-3 hạch bạch huyết vùng hoặc các mô gần hạch bạch huyết.
- Giai đoạn IIIb khi có 2-3 hạch bạch huyết xung quanh bị ảnh hưởng.
- Giai đoạn IIIc khi có trên 4 hạch bạch huyết hoặc các hạch bạch huyết ở xa bị ảnh hưởng.
2.4. Giai đoạn IV
Đây là giai đoạn cuối của ung thư đại tràng, khi tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể.
- Giai đoạn IVa: di căn hạch bạch huyết, di căn đến một phần cơ thể như gan, phổi
- Giai đoạn IVb: di căn ra các phần xa khác trên cơ thể
3. Điều trị
Phương pháp điều trị phụ thuộc giai đoạn của bệnh. Thông thường ung thư giai đoạn sớm I – IIIA, có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu ung thư tiến triển ở các giai đoạn sau, IIIB, IIIC thì cần kết hợp hóa trị để ngăn ngừa ung thư di căn sang các cơ quan khác. Giai đoạn muộn, có thể cần kết hợp đa phương thức, và điều trị đích được xem là phương pháp hỗ trợ hiệu quả.
3.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp ngoại khoa giúp loại bỏ toàn bộ hoặc một phần khối u, cũng như nạo vét hạch để phòng/điều trị ung thư.
- Phẫu thuật dự phòng bệnh: có thể chỉ định phẫu thuật các khối u, polyp nguy cơ ung thư cao để phòng ung thư tiến triển.
- Phẫu thuật điều trị ung thư: có thể chỉ định điều trị phẫu thuật triệt căn hoặc tạm thời phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
3.2. Xạ trị
Là phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị có thể dùng hỗ trợ với các phương pháp khác để điều trị triệt căn hoặc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.
3.3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp dùng các hóa chất gây độc tế bào nhắm tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể. Đây là phương pháp quan trọng điều trị ung thư giai đoạn di căn có tác dụng toàn thân.
3.4. Điều trị đích
Hiện nay có nhiều thuốc điều trị đích, nhằm chọn lọc tiêu diệt các tế bào ung thư, mang lại hiệu quả tốt và giảm độc tố vào các tế bào lành.
– Thuốc nhắm mục tiêu hình thành mạch máu
Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu là một loại protein giúp việc hình thành mạch máu, mang các chất dinh dưỡng đến mô để phát triển. Khi ngăn chặn các yếu tố này, mạch máu không được hình thành sẽ giúp giảm sự phát triển của khối u. Một số thuốc cho điều trị ung thư đại trực tràng như: Bevacizumab, Ramucirumab, Ziv-aflibercept.
– Thuốc nhắm vào thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR)
EGFR là một loại protein giúp tế bào ung thư phát triển. Thông qua nhiều kênh tín hiệu Ras/Raf/MEK/ERK hoặc PI3K/AKT/mTOR vào trong nhân tế bào, điều khiển tế bào tăng trưởng, biệt hóa, phân chia, tăng sinh mạch máu và chết theo chương trình.
Khi gen EGFR biểu hiện quá mức hoặc bị đột biến, sẽ dẫn đến mất kiểm soát phân chia tế bào và hình thành ung thư. Do đó, các thuốc ức chế hoạt động của EGFR sẽ giúp ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển.
Thuốc nhắm đích EGFR trong ung thư đại tràng gồm có Cetuximab và Panitumumab.
Tuy nhiên, cần lưu ý trước khi sử dụng thuốc ức chế EGFR cần xét nghiệm đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF để tiên lượng tính kháng thuốc.
– Thuốc nhắm mục tiêu vào các tế bào có thay đổi gen BRAF
Có khoảng dưới 10% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đột biến gen BRAF. Đột biến gen này tự kích hoạt con đường tín hiệu Ras/Raf/MEK/ERK giúp tế bào ung thư phát triển không kiểm soát mà không cần tín hiệu từ EGFR.
Thuốc nhắm đích BRAF sẽ ức chế hoạt động của gen, ngăn cản quá trình phát triển của tế bào ung thư. Thuốc ức chế BRAF trong điều trị ung thư đại trực tràng là Encorafenib.
– Các loại thuốc nhắm mục tiêu khác
Regorafenib ngăn chặn một số protein kinase, có tác dụng ức chế tế bào ung thư phát triển và hình thành mạch máu mới để nuôi khối u.
4. Các xét nghiệm di truyền trong hỗ trợ điều trị ung thư đại trực tràng
- Xét nghiệm đột biến gen EGFR
- Xét nghiệm đột biến gen BRAF/KRAS/NRAS
- Xét nghiệm bất ổn định vị vệ tinh MSI
- Xét nghiệm tiên lượng tác dụng phụ của hóa chất 5-FU: giúp xác định nguy cơ người bệnh có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ khi điều trị hóa chất
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.gov/types/colorectal/patient/colon-treatment-pdq
https://ungthubachmai.vn/dao-tao–nghien-cuu/thu-the-yeu-to-tang-truong-bieu-bi-egfr.html
Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn và giải đáp liên quan đến điều trị ung thư đại tràng cần được Bác sĩ Phương Hoa hỗ trợ, vui lòng điền thông tin đăng ký tại đây.
Bác sĩ Phương Hoa
Chuyên gia di truyền y học
Liên hệ với bác sĩ
Website này được xây dựng với mong muốn lan tỏa những thông tin hữu ích trong lĩnh vực di truyền học, trở thành kênh kết nối chuyên môn giữa các bác sĩ, chuyên gia y tế nhằm mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh.