Các phương pháp điều trị ung thư vú

Hiện nay, có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị ung thư vú, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormon, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp điều trị nhắm trúng đích.

Các phương pháp điều trị ung thư vú
Ở Việt Nam ung thư vú đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và hàng thứ 3 về tỷ lệ tử vong ở nữ giới.

Tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm bệnh học khối u (thể mô bệnh học, độ mô học, tình trạng thụ thể nội tiết, HER2, chỉ số tăng sinh khối u, các đột biến gen, các yếu tố nguy cơ về gen…), tốc độ phát triển trên lâm sàng của bệnh, và tình trạng cụ thể ở từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị hoặc phối hợp các phương pháp để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Phương pháp điều trị tại chỗ

Phẫu thuật: Các chỉ định phẫu thuật trong ung thư vú gồm: bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm, bệnh nhân giai đoạn tiến triển tại chỗ đã điều trị hóa chất trước đó; bệnh nhân đã có di căn xa, phẫu thuật giúp làm giảm triệu chứng với các khối u vỡ loét, nhiễm trùng. Các phương pháp phẫu thuật trong ung thư vú gồm: cắt tuyến vú và vét hạch nách, cắt tuyến vú tiết kiệm da, cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm, phẫu thuật bảo tồn kết hợp với các kỹ thuật tái tạo.

Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng các hạt hoặc sóng có năng lượng cao như: Tia X, hoặc photon năng lượng cao, các chùm tia ít đâm xuyên và tập trung nhiều hơn vào vị trí điều trị để tiêu diệt hoặc phá hỏng các tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của chúng. Trong điều trị ung thư vú, xạ trị thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật nhằm tăng hiệu quả điều trị. Các tác dụng phụ của xạ trị gồm: Viêm da thành ngực vùng tia xạ, viêm phổi do tia xạ, thiếu máu cơ tim sau xạ trị ở bệnh nhân ung thư vú trái.

2. Phương pháp điều trị toàn thân

Hóa trị: Phương pháp hóa trị sử dụng các nhóm thuốc chuyên biệt có khả năng gây độc tế bào nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương pháp hiệu quả cao, mang lại rất nhiều lợi ích về tăng thời gian sống thêm cho người bệnh, tuy nhiên đây là phương pháp có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho người bệnh như mệt mỏi, buồn nôn, táo bón, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn thần kinh cảm giác, ….

Xét nghiệm Oncotype Dx là xét nghiệm đánh giá 21 gen trên mẫu ung thư vú nhằm xác định lợi ích của điều trị hóa trị đối với bệnh nhân ung thư vú ER dương tính, HER2 âm tính, di căn 1-3 hạch. Khi thực hiện xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ tránh được việc phải điều trị hóa trị quá mức, từ đó giảm chi phí và tác dụng gây hại của hóa trị (link bài viết câu chuyện khách hàng và xn Oncotype).

Các phương pháp điều trị ung thư vú
Xét nghiệm Oncotype Dx được thực hiện để đánh giá lợi ích của hóa trị với người bệnh ung thư vú.

Điều trị nội tiết: Liệu pháp nội tiết tố chỉ được chỉ định cho bệnh ung thư vú có thụ thể nội tiết ER hoặc PR dương tính. Khoảng 70-80% phụ nữ ung thư vú có TTNT dương tính, điều trị nội tiết là rất cần thiết và hiệu quả ở những bệnh nhân này.

Điều trị miễn dịch: là phương pháp dùng các thuốc tác động vào các đích là các cơ chế miễn dịch xác định, giúp khôi phục và tăng cường khả năng phát hiện và tiêu diệt tế bào ung thư của cơ thể. Phương pháp này chỉ được chỉ định cho bệnh nhân có kết quả xét nghiệm bộ 3 âm tính, và thụ thể PDL-1 dương tính. Hiện nay có 2 thuốc được cấp phép sử dụng trong điều trị miễn dịch ung thư vú gồm Atezolizumab (Tecentriq) – ức chế thụ thể PD-L1 và thuốc Pembrolizumab (Keytruda) – ức chế thụ thể PD-1.

Điều trị đích: là phương pháp điều trị sử dụng các thuốc là kháng thể đơn dòng hoặc phân tử nhỏ nhắm vào các đích đặc hiệu của tế bào ung thư vú. Ưu điểm của điều trị đích là hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, đây là phương pháp có giá thành tương đối cao so với các phương pháp điều trị khác.

+ Các thuốc nhắm đích thụ thể Her 2: Chỉ định với các trường hợp bệnh nhân có Her 2 dương tính. Các kháng thể đơn dòng được sử dụng trong điều trị ung thư vú Her 2 dương tính gồm: Trastuzumab, Pertuzumab, ngoài ra thuốc chống tăng sinh mạch bevacizumab cũng được sử dụng nhưng kém hiệu quả hơn. Các thuốc ức chế enzym tyrosin kinase: lapatinib, neratinib, tucatinib được áp dụng trong trường hợp thụ thể Her 2 +, kháng kháng thể đơn dòng.

+ Thuốc ức chế PARP: Chỉ định cho bệnh nhân có đột biến gen BRCA1/2 dòng mầm. Các thuốc được sử dụng gồm: olaparib (Lynparza) và talazoparib (Talzenna).

+ Thuốc kháng PIK3CA: Chỉ định cho bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính, Her 2 âm tính, có đột biến gen PIK3CA. Thuốc kháng PIK3CA được áp dụng trong lâm sàng hiện nay là alpelisib (Piqray).

Trên đây là những thông tin tổng hợp về các phương pháp điều trị ung thư vú và một số xét nghiệm di truyền có liên quan. Nếu có bất cứ thắc mắc nào cần bác sĩ Phương Hoa tư vấn và giải đáp, vui lòng liên  hệ tại đây. 

messenger